Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y dược Thái Nguyên năm 2011, thanh niên Hà Văn Duyệt, 31 tuổi, dân tộc Tày, thôn 1, xã Côn Lôn (Na Hang) đã tìm kiếm cơ hội việc làm ở nhiều nơi nhưng không có kết quả khả quan. Năm 2013, anh trở về quê hương với khát khao, ý chí vươn lên làm giàu.
Qua tìm hiểu tham khảo kinh nghiệm trên sách báo, mạng internet, anh Duyệt quyết định nuôi chim bồ câu với hình thức vừa bán giống, vừa làm thương phẩm cung ứng ra thị trường. Ban đầu, gia đình, người thân không ủng hộ và khuyên anh nên tìm một nghề khác hoặc lựa chọn vật nuôi khác bởi chim bồ câu “khó tính”, giá cả bấp bênh lại dễ xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, anh vẫn cương quyết đi theo hướng mình đã chọn. Lặn lội, tìm hiểu kỹ các nguồn cung ứng giống chim bồ câu, anh Duyệt đầu tư 3 triệu đồng, mua 10 đôi chim bồ câu Pháp nuôi thử nghiệm.
Anh Hà Văn Duyệt, thôn 1, xã Côn Lôn (Na Hang) chăm sóc chim bồ câu.
Anh Duyệt chia sẻ, ngày đầu cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, đầu ra cho sản phẩm cũng chưa ổn định khiến anh đã có lúc nản lòng. Anh tự động viên bản thân “Có chí thì nên” rồi kiên trì với con đường mình đã chọn. Tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mô hình của anh dần ổn định. Anh chọn và thử nghiệm với nhiều giống bồ câu mới. Với từng loại, anh đều nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển; áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc; đặc biệt chú trọng đến khâu phòng bệnh. Tùy theo từng thời điểm nuôi ngắn hay dài, giá các loại chim bồ câu trên thị trường có khác nhau, như bán giống thì bồ câu Mỹ có giá 400 - 500 nghìn/đôi; bồ câu Pháp 200 - 250 nghìn/đôi; bồ câu đuôi xòe và bồ câu Banh có giá 300 nghìn/đôi.
Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu của anh Duyệt đã có hiệu quả và được nhiều người dân trong và ngoài địa bàn biết đến. Năm 2016, chàng trai trẻ Hà Văn Duyệt quyết định vay vốn từ Ngân hàng CSXH 50 triệu đồng để đào ao thả cá. Hiện nay, tổng nguồn thu từ chim bồ câu và cá cho anh thu nhập khoảng 60 - 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Nguồn tin: Báo Tuyên Quang