Người là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890, trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5, họp từ 17/6-8/7/1924 ở Moskva, với tư cách là đại biểu của Bộ thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Được nuôi dưỡng bởi những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử, phải chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước bi hùng của ông cha chống thực dân Pháp xâm lược và cảnh lầm than, cực khổ của nhân dân, Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Ra đi tìm đường cứu nước khi 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới.
Tháng 12/1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp. Vì thế, Người đã đến với chủ nghĩa Marx-Lenin một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Với trí tuệ thiên tài, tầm nhìn vượt thời đại, Người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, dày công chuẩn bị những điều kiện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ cho sự ra đời một đảng cách mạng chân chính - Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy Uralmash mang tên Ordzhonikidze ở Sverdlovsk, nay là Yekaterinburg. (Nguồn: TTXVN)
Từ đó, cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn chông gai, thử thách, đưa dân tộc “bước tới đài vinh quang."
Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử nước ta, đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam từ nô lệ trở thành độc lập, tự do.
Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa làm cơ sở cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ 3 của Đảng, ngày 5/9/1960. Trong diễn văn khai mạc, Người nêu rõ: Đại hội lần thứ hai là đại hội kháng chiến. Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. (Ảnh: TTXVN)
Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đó còn là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế mà nhân dân ta đang tiến hành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)
Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng.
Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người Việt Nam, mà còn cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Bác Hồ luôn quan tâm đến thiếu nhi và dành tình cảm đặc biệt cho thế hệ tương lai của đất nước. Trong ảnh: Nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, tối ngày 31/5/1969, đại biểu thiếu nhi Thủ đô đã đến Phủ Chủ tịch thăm và biểu diễn văn nghệ chào mừng Bác. (Ảnh: TTXVN)
Chính vì vậy, không chỉ nhân dân Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân thế giới cũng rất yêu quý Người, dành cho Người những tình cảm trân trọng và những lời nói tốt đẹp nhất.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2013, Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã viết trong sổ lưu niệm: “nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai... Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân."
Nhà báo Stanley Karnow, tác giả cuốn “Việt Nam - Một lịch sử” đã miêu tả Chủ tịch Hồ Chí Minh với một giọng văn đầy cảm phục: một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành, giản dị.
Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khu phố Ba Đình khóa V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Không có sự dao động trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển ý chí của Người. Ngay cả khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất nước, Người vẫn giữ niềm tin tuyệt đối với nền độc lập của Việt Nam.
Dưới con mắt phương Tây, điều dường như không thể tưởng tượng được là Hồ Chí Minh có thể cống hiến sự hy sinh to lớn như Người đã làm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành thời gian đến thăm các công trường, xí nghiệp, động viên công nhân, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Trong ảnh: Bác Hồ đến thăm Khu Công nghiệp liên hợp gang thép Thái Nguyên nhân dịp lò cao số 1 ra mẻ gang đầu tiên (1/1/1964). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Bên cạnh là một nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự tài ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà văn hóa lớn không chỉ của riêng dân tộc Việt Nam mà còn của cả nhân loại.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một học trò xuất sắc của Người, thì “sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa."
Mặc dù công việc đất nước rất bận rộn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên nhiều gia đình thương binh, liệt sỹ, các đồng chí lão thành cách mạng, thăm công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sỹ... Trong ảnh: Bác Hồ đến dự Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc (13/8/1962). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại./.
Nguồn: Doanthanhnien.vn và TTXVN