Sau khi Tốt nghiệp trường đại học Nông nghiệp với tấm bằng kỹ sư thuỷ sản; Anh Dương Hồng Sơn, Bí thư Chi đoàn tổ 14, phường An Tường, thành phố Tuyên Quang đầu quân cho công ty Green Feed kỹ thuật thị trường thủy sản, để trau dồi kiến thức và học hỏi kinh nghiệm với mong ước một ngày nào đó trở về quê hương để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Câu hỏi lớn nhất đặt ra với anh Sơn lúc đó chính là lựa chọn mặt hàng, sản phẩm nào để khởi nghiệp trên quê hương mình. Dựa vào kinh nghiệm quan sát và nghiên cứu thị trường, anh Sơn phát hiện một mô hình rất tiềm năng: nuôi ếch thương phẩm. Qua học hỏi, quan sát, anh Sơn kết luận: Ếch là 1 đối tượng nuôi thủy đặc sản có thể nuôi với số lượng lớn mật độ cao và đem lại lợi ích kinh tế khoảng 300-400 triệu/vụ, là đối tượng có thể nhắm đến và phát triển dựa vào thương lái và bán tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp ếch tại miền Bắc còn thiếu (nhu cầu khoảng 60 tấn/ngày, dựa vào số lượng thương lái khu vực phía Bắc).
Năm 2001 - 2002 đã có một số hộ ở Hà Nội nhập ếch Thái Lan (Rana tigrina) về nuôi. Những kết quả ban đầu cho thấy đây là đối tượng có tiềm năng và có thể phát triển nuôi theo quy mô công nghiệp trong tương lai. So với ếch đồng Việt Nam thì ếch Thái Lan có nhiều ưu điểm hơn nên được người dân lựa chọn để nuôi, ếch Thái vì được thuần dưỡng lên ăn thức ăn công nghiệp, khả năng tăng trọng nhanh (sau 3-4 tháng nuôi đạt 250-300 g/con). Suy nghĩ đã chín, anh Sơn quyết định bắt tay thực hiện. Đầu năm 2021, anh về Tuyên Quang để thực hiện mơ ước của mình đó chính là xây dựng mô hình nuôi ếch thương phẩm do chính bản thân làm chủ tại tổ 14, phường An Tường, thành phố Tuyên Quang.
Dương Hồng Sơn kiểm tra ếch trong bể nuôi vỗ ếch bố mẹ
Với số vốn 400 triệu khởi điểm, anh Sơn đầu tư 60 tráng nuôi ếch, xây dựng 02 bể, nuôi vỗ con giống với diện tích là 24m² mỗi bể. Anh bắt đầu với việc nuôi gần 8 vạn con ếch giống. Những con ếch bố mẹ được anh Sơn tuyển chọn kỹ lưỡng từ đàn ếch chính anh nuôi và nhập từ trại Green Feed Thái Bình. Ngoài ra, anh cũng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm với một số hộ dân lân cận để có nguồn cung cấp con giống được phong phú hơn. Ếch bố mẹ sẽ được nuôi vỗ béo trong bể xi măng trong khoảng thời gian 02 tháng. Trong khoảng thời gian này, anh Sơn rất chú trọng vệ sinh và thay nước trong bể 2 ngày/ lần, cọ rửa sạch sẽ và cấp lại mức nước khoảng 7-12 cm nước. Sau thời gian vỗ ếch bố mẹ, anh Sơn tiếp tục tiến hành quy trình ghép cặp, nuôi nòng nọc thành con giống với nhiều quy trình, công đoạn chặt chẽ, bảo đảm chất lượng tốt nhất cho ếch thành phẩm xuất ra thị trường.
Dương Hồng Sơn và người làm kiểm tra ếch trước khi xuất bán.
Sự chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng và lòng quyết tâm của anh Dương Hồng Sơn đã được đền đáp khi sản phẩm của anh vừa có mặt đã được thị trường đón nhận rất tích cực. Trong năm 2021, trung bình mỗi ngày anh bán được ra thị trường bình quân 150 đến 200 kg thịt ếch thương phẩm. Sản phẩm của anh hiện chủ yếu được phân phối qua kênh bán lẻ đến các nhà hàng, quán ăn hoặc người dân. Mặc dù năm đầu kinh doanh không đem về lợi nhuận quá lớn cho anh Sơn do phải chi xây dựng mặt bằng, trang thiết bị… Nhưng bước sang năm thứ 2, với số tiền đầu tư 560 triệu, anh thu về gần 1 tỷ đồng chỉ sau 10 tháng kinh doanh. Anh Sơn chia sẻ, với sản lượng tốt, mục tiêu trước mắt của anh là tiến đến cung cấp ếch thương phẩm đến tỉnh Hà Giang do thị trường nơi đây đang có nhu cầu khá lớn.
Dương Hồng Sơn tháo nước, vệ sinh lại trại ếch để chuẩn bị cho vụ nuôi ếch 2023
Tấm gương dám nghĩ, dám làm của anh Dương Hồng Sơn tạo động lực để đoàn viên, thanh niên trên địa bàn bắt tay vào hiện thực hóa ước mơ, kế hoạch khởi nghiệp của mình, góp sức xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp.
Thành đoàn Tuyên Quang