Ứng dụng chuyển đổi số trong giám sát vận hành Trạm biến áp 500kV Pleiku.
Quyết tâm cao, hành động quyết liệt
Thời gian qua, Đảng ủy EVN đã ban hành các nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo Tập đoàn và các đơn vị quyết tâm xây dựng EVN trở thành Tập đoàn năng lượng phát triển toàn diện.
Việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số được xác định là nền tảng quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy Tập đoàn phát triển nhanh, mạnh, bền vững.
Với tinh thần nghiêm túc, chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, Đảng ủy EVN đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 11/01/2021 về việc “Thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, có kế hoạch cụ thể, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Ngày 17/02/2021, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã có Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025.
Tập đoàn cũng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tổng thể trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở để các đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị mình, thống nhất theo định hướng, chỉ tiêu được Tập đoàn giao. Lãnh đạo EVN cũng giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng đơn vị, sát sao theo dõi, đánh giá, chấm điểm từng hạng mục công việc, xếp hạng chuyển đổi số các đơn vị trong EVN.
Lãnh đạo EVN khẳng định, chuyển đổi số và an toàn thông tin là vấn đề rất quan trọng với EVN. Chuyển đổi số trong EVN triển khai bảo đảm tiêu chí thực chất và hiệu quả. Các cấp lãnh đạo trong toàn Tập đoàn nhận thức rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành Điện lực; vì vậy, từng cán bộ công nhân viên, người lao động cần chủ động tham gia chuyển đổi số, đồng hành, cùng nỗ lực vì mục tiêu chung của EVN.
Giám sát an toàn có kết nối với ứng dụng Google map để định vị tọa độ địa điểm thật theo thời gian thực trong vận hành quản lý lưới điện của Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội.
EVN đã xác định các lĩnh vực trọng tâm để thực hiện chuyển đổi số bao gồm “Số hóa dữ liệu”: mục tiêu “một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”, thống nhất trong toàn Tập đoàn một nền tảng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung; chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh thu thập, khai thác, phân tích dữ liệu từ hiện trường, kết nối với các hệ thống điều khiển/giám sát/vận hành.
“Số hóa khách hàng”: lấy khách hàng là trung tâm, phân tích hành vi để cung cấp các dịch vụ gia tăng, bảo đảm khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng.
“Số hóa quy trình nghiệp vụ”: Đẩy mạnh cải cách quy trình nghiệp vụ phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong Tập đoàn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
Trong công tác quản trị nội bộ lấy người lao động làm trung tâm để xây dựng các ứng dụng số, cải tiến công việc bằng giải pháp mới cho việc sàng lọc, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, hỗ trợ tốt nhất cho công việc và tiết kiệm thời gian, sức lao động.
Cùng với đó, EVN tiếp tục lộ trình ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động; tận dụng thành tựu nghiên cứu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhân rộng các đề án đã và đang thực hiện có hiệu quả; tăng cường an ninh bảo mật…
Nhiều kết quả tích cực
Với tinh thần tích cực triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ chuyển đổi số, nhiều đơn vị đã được ghi nhận với những kết quả, thành tựu đáng ghi nhận như: Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên trên cả nước được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận là Doanh nghiệp số; một số đơn vị như: Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền bắc, Tổng công ty Điện lực miền nam,… đạt nhiều giải thưởng Chuyển đổi số quốc gia.
Từ năm 2022, EVN được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công quốc gia để cung cấp 2 dịch vụ điện. EVN đã hoàn thành sớm 5 tháng so với nhiệm vụ được Thủ tướng giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg.
Từ những nỗ lực, quyết tâm, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị như vậy, tới cuối năm 2022, EVN đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi số ở mức cao, cán đích mục tiêu đề ra.
Quá trình chuyển đổi số của EVN luôn gắn liền và đóng góp tích cực vào các mục tiêu chuyển đổi số Quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số.
Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, EVN đã không ngừng đổi mới, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện. Từ năm 2019, EVN đã được Chính phủ cho phép cung cấp dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 - mức độ cao nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Theo đó, EVN đã mở rộng việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư cho 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 của Tập đoàn đang cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đây cũng là nỗ lực của EVN trong việc thực hiện chủ đề năm 2023 -Năm Dữ liệu số quốc gia; cũng là đóng góp tích cực trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 (Đề án 06).
Theo dữ liệu cuối tháng 8/2023 được công bố trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong 21 bộ, ngành cung cấp dịch vụ trực tuyến trên Cổng, EVN xếp hạng 1 và là đơn vị đã xuất sắc duy trì vị trí dẫn đầu trong nhiều tháng liên tiếp trên Cổng…
Thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới
Công cuộc chuyển đổi số của EVN nhận được sự hưởng ứng tích cực, thực hiện đồng bộ của các đơn vị thành viên.
Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVNHANOI) đang trải qua một quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đồng thời triển khai nhiều giải pháp thực thi văn hóa doanh nghiệp đặc biệt là văn hóa số.
Mục tiêu của EVNHANOI là thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp dịch vụ tốt hơn hướng đến các giá trị mới cho khách hàng. Nhiều năm qua, EVNHANOI đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm việc xây dựng hệ thống mạng, lưu trữ dữ liệu và hệ thống ứng dụng. Điều này bảo đảm khả năng chia sẻ thông tin hiệu quả và sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định chính xác và nhanh chóng.
Từ năm 2018, EVNHANOI đã hoàn thành trung tâm điều khiển trên hệ thống SCADA/DMS thực hiện giám sát, điều hành lưới điện, phát triển trạm biến áp không người trực, hoàn thành số hóa công tác điều độ…; đưa vào những ứng dụng hiện trường triển khai toàn bộ hệ thống công tơ điện tử và thu thập dữ liệu từ xa xóa bỏ hình thức ghi chỉ số bằng tay, dữ liệu đo đếm tự động thu thập về Trung tâm Dữ liệu tại EVNHANOI.
Việc triển khai hạ tầng đo đếm sử dụng công tơ điện tử thông minh đã làm tăng độ chính xác, minh bạch của thiết bị đo đếm và đồng thời đem đến cho khách hàng những tiện ích đột phá như theo dõi chỉ số công tơ, lượng điện tiêu thụ hàng ngày, đặt ngưỡng cảnh báo tiêu thụ điện…
Đặc biệt, 100% dịch vụ điện được xử lý trên môi trường mạng theo phương thức điện tử; các hồ sơ công việc được hợp nhất đa nền tảng hỗ trợ điện thoại viên thao tác trên một giao diện duy nhất theo hình thức Tổng đài đa kênh thông minh, cung cấp tường minh chính xác chỉ số tiêu thụ theo từng ngày của từng khách hàng và những tiện ích dịch vụ điện khác qua Hệ sinh thái chăm sóc khách hàng, App EVNHANOI...
Năm 2023, một số thành tựu của EVNHANOI đã được ghi nhận như sáng kiến “Số hóa công tác điều độ” đạt giải thưởng “Make by EVN”; Sản phẩm “Hệ sinh thái chăm sóc khách hàng EVNHANOI” nhận Giải thưởng Sao Khuê...
Ngày 31/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận mức độ chuyển đổi số của EVNHANOI là một trong những đơn vị doanh nghiệp nhà nước mô hình Tập đoàn/Tổng công ty hoàn thành đánh giá mức độ Chuyển đổi số đầu tiên tại Quốc gia Việt Nam.
Thực hiện lộ trình chuyển đổi số của ngành Điện, hiện thực hoá mục tiêu trở thành doanh nghiệp số của EVN vào năm 2025, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tập trung chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực quan trọng là quản lý đường dây, trạm biến áp và thí nghiệm.
Nhờ đó, EVNNPT thay đổi tổng thể và toàn diện về cách làm việc và phương thức tổ chức sản xuất cho gần 5.000 người lao động trực tiếp trong 3 lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt, việc ứng dụng thiết bị bay UAV, phân tích hình ảnh do UAV thu thập được bằng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp thay đổi toàn diện công tác quản lý vận hành đường dây.
EVNNPT ứng dụng camera xử lý hình ảnh bằng AI lắp đặt trên đỉnh cột đường dây tại một số vị trí đặc biệt; trang bị hệ thống quan trắc, cảnh báo sét nhằm cảnh báo sớm về sự hình thành, xuất hiện của các cơn giông - sét tiềm năng gây nguy hiểm tới lưới điện truyền tải, định vị và xác định các thông số của cú sét; trang bị hệ thống định vị sự cố cho các đường dây 500 - 220 kV quan trọng, nhân viên vận hành xác định nhanh được điểm sự cố với sai số trong khoảng 200 m và quản lý lưới điện truyền tải thông qua hệ thống thông tin địa lý (GIS).
EVNNPT chuyển các trạm biến áp 220 kV sang vận hành không người trực, lắp đặt nhiều thiết bị giám sát trực tuyến như khí phân hủy trong dầu máy biến áp (DGA)… mang lại hiệu quả tích cực trong việc tăng năng suất, tăng hiệu quả, giảm chi phí truyền tải điện.
Truyền tải điện Đông Bắc 1 ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) phục vụ quản lý, vận hành lưới truyền tải điện.
Lãnh đạo EVNNPT đang vận hành 160 trạm biến áp 500 - 220 kV điều khiển tích hợp bằng máy tính (đạt tỷ lệ 86%) trong đó có 1 trạm biến áp 220 kV tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) là trạm biến áp số 220 kV đầu tiên của Việt Nam.
Các trạm biến áp này cho phép giám sát chặt chẽ tình trạng vận hành của thiết bị; thu thập, lưu trữ đầy đủ các dữ liệu vận hành của thiết bị, phục vụ cho công tác đánh giá, quyết định sửa chữa, bảo dưỡng đồng thời cho phép áp dụng các giải pháp tự động hóa trạm biến áp.
EVNNPT đã chuyển 118 trạm biến áp 220 kV sang thao tác xa từ các trung tâm điều độ hệ thống điện miền đạt tỉ lệ 79%, nhờ đó tiết giảm gần 600 lao động so với trạm biến áp có người trực thao tác tại chỗ. Đến nay, 100% dữ liệu thiết bị trên lưới truyền tải điện đã được số hóa trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, 100% dữ liệu công tơ đã được kết nối vào hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS.
Còn đối với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), đến hết năm 2022, đơn vị đã hoàn thành 100% nhiệm vụ chuyển đổi số EVN giao, cũng như 100% nhiệm vụ đăng ký theo kế hoạch đã được EVN phê duyệt. Về cơ bản, công tác chuyển đổi số của EVNNPC đang đi đúng định hướng khi xác định chuyển đổi số không phải là đích đến, mà là một quá trình liên tục và phát triển theo từng giai đoạn.
Chuyển đổi số là một trong các nhóm giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển của EVNNPC. Trong quá trình số hoá, người đứng đầu mỗi đơn vị phải vào cuộc quyết liệt, trực tiếp tìm hiểu, chịu trách nhiệm và hiểu rõ cần phải chuyển đổi số ở lĩnh vực nào, vướng mắc ở đâu,... để từ đó có những quyết định kịp thời.
EVNNPC đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành doanh nghiệp số. Ngoài việc hoàn thành các nhiệm vụ EVN giao, EVNNPC sẽ tập trung vào công tác số hoá quy trình – số hoá dữ liệu với nền tảng là các phần mềm dùng chung của EVN; hệ thống số hóa quy trình nội bộ của tổng công ty; hệ thống GIS và kho dữ liệu tập trung.