Hội nghị thúc đẩy chuyển đổi số tại Bộ Công thương nhằm đánh giá tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc chuyển đổi số và phát triển chính phủ điện tử tại Bộ Công thương.
Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Tại Hội nghị thúc đẩy chuyển đổi số tại Bộ Công thương diễn ra ngày 10/11, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bộ đã quyết liệt triển khai nhằm tạo nền tảng cho môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đẩy mạnh chính phủ điện tử, chuyển đổi số tại Bộ Công thương, trong đó tập trung vào tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số và chính phủ điện tử; hoàn thiện thể chế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; thúc đẩy cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công và tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành.
Chỉ riêng trong năm 2023, Bộ đã ban hành hàng loạt các văn bản thúc đẩy chuyển đổi số, chính phủ điện tử trong Bộ Công thương nói riêng và toàn ngành Công Thương nói chung.
Đến nay, Cổng Dịch vụ công Bộ Công thương đang cung cấp 236 dịch vụ công trực tuyến, với gần 49.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đến hết quý III/2023 là gần 1,2 triệu bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.
Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Bộ Công thương hiện đã kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong 9 tháng đầu năm 2023 là gần 250.000 bộ hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trao đổi gần 190.000 bộ hồ sơ với tất cả các nước trong khối ASEAN kể từ đầu năm.
Ngoài ra, Bộ Công thương hiện có 129 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến hết quý III/2023, Cổng Dịch vụ công Bộ Công thương đã đồng bộ gần 1 triệu bộ hồ sơ điện tử với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Với những đánh giá tích cực về chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt, ổn định, Cổng Dịch vụ công Bộ Công thương đã được ghi nhận là một trong 3 Cổng Dịch vụ công đứng đầu trong khối các Bộ, ngành đạt hiệu quả tốt cả về chất lượng và số lượng hồ sơ trực tuyến đã nộp.
Đáng chú ý, đến hết 30/9/2023, tỷ lệ hồ sơ số hóa của Bộ Công thương trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 79,75%, với 354.473 hồ sơ đã số hóa và gửi dữ liệu đến Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số 444.486 hồ sơ thủ tục hành chính.
Nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ hồ sơ số hóa của Bộ Công thương trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tăng lên đến 49,25%, trong khi đến trước 13/7 con số này mới chỉ đạt 0,69%.
“Với đà tăng này, từ nay đến hết năm 2023, tỷ lệ số hóa hồ sơ của Bộ Công thương sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định.
Ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước từng lĩnh vực
Quyết tâm chuyển đổi số của lãnh đạo Bộ Công thương đã được quán triệt triển khai tại tất cả các đơn vị thuộc Bộ, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực trong ngành Công Thương.
Tại Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Tổng cục Quản lý thị trường.
Từ năm 2022, Tổng cục đã đưa vào vận hành Hệ thống xử lý vi phạm hành chính - INS trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm. Kể từ thời điểm Hệ thống INS đi vào hoạt động, toàn bộ thao tác công vụ của lực lượng quản lý thị trường được thực hiện trên máy tính. Song song với quá trình kiểm tra, các thông tin được cập nhật trực tiếp theo từng quy trình với các biểu mẫu liên thông, liên kết với nhau, từ đó hạn chế thấp nhất các sai sót.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công thương đã xác định một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn tới là triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho biết, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Công thương cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Cục Công nghiệp đã triển khai xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp bao gồm cơ khí chế tạo, điện tử, dệt may, da giày,… Cùng với đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đối với khu, cụm công nghiệp; hệ thống dữ liệu về chuyên gia tư vấn; cổng thông tin về công nghiệp hỗ trợ VSI (vsi.gov.vn),… Các hệ thống cơ sở dữ liệu này thường xuyên được chia sẻ với các Hiệp hội, doanh nghiệp và Sở Công Thương địa phương để kịp thời nắm bắt thông tin về ngành.
Riêng với cổng VSI đến nay đã có thông tin của hơn 6.200 doanh nghiệp về trên 120 trường thông tin như: quy mô, sản phẩm, năng lực, tiêu chuẩn, khách hàng, thị trường... và đang tiếp tục được cập nhật thường xuyên. Năm 2022, tổng số lượt truy cập vào Cổng thông tin về công nghiệp hỗ trợ đạt hơn 11,3 triệu lượt. Đến 10 tháng năm 2023, con số này đã tăng vượt bậc, đạt 17 triệu lượt truy cập.
Còn tại Cục Xúc tiến thương mại, Cục trưởng Vũ Bá Phú khẳng định công tác chuyển đổi số đã được nhận thức và triển khai từ sớm. Đến nay, 4/4 thủ tục hành chính đã được quán triệt và thực hiện 100% toàn trình. 10 tháng năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã tiếp nhận 1.500 hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, trong đó 1.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, chiếm 66,67% số lượng thủ tục hành chính do Cục tiếp nhận.
Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế, Cục Xúc tiến thương mại đã ưu tiên xây dựng Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số (Decobiz - Digital Ecosystem for Businesses). Đây là kết cấu hạ tầng mềm trong thương mại do Chính phủ và Bộ Công thương đầu tư, quản lý, phát triển, gồm các nền tảng cơ bản dùng chung như: Hội chợ, triển lãm số; kết nối giao thương (B2B) thông minh; cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại, tư vấn - huấn luyện trực tuyến,… qua đó thiết lập các kênh tiêu thụ trong nước và quốc tế; kết nối hệ thống các Thương vụ, Tham tán ở nước ngoài với cộng đồng doanh nghiệp trong nước để đẩy mạnh kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu; đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được, vẫn còn những hạn chế còn tồn tại, như chưa kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy chế quản lý, khai thác, sử dụng các phần mềm hay việc khai thác còn nhiều vướng mắc; ý thức và quyết tâm chuyển đổi số ở một số bộ phận công chức, viên chức chưa cao; thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn của một bộ phận công chức còn chậm thay đổi; cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành còn thiếu, chưa được cập nhật kịp thời và thiếu tính liên kết chia sẻ;cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công việc.
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chuyển đổi số tại Bộ Công thương trong thời gian tới, tại hội nghị nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các đơn vị trong Bộ tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công thương trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.