Đây là chuyến thăm đầu tiên của Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, đúng một năm sau chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022).
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023).
Trung Quốc: Mục tiêu phát triển trong thời đại mới
Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2022) đã đề xuất tầm nhìn lớn, mang tính chiến lược và những bước đi để đưa Trung Quốc đến mục tiêu cơ bản là hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại vào giữa thế kỷ XXI. Đại hội XX thành công là dấu ấn quan trọng trong hành trình Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn dắt đất nước bước vào chặng đường phát triển mới.
Tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, với sự tham dự của hơn 2.300 đại biểu, đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên, đồng chí Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư khóa XX, được xác lập là “hạt nhân lãnh đạo” của Trung ương Đảng và trong toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Từ Đại hội XIX tới nay, Trung Quốc đã xác lập “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” làm tư tưởng chỉ đạo. Tại Đại hội XX, những thành tựu và phát triển mới của “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” trong 10 năm qua đã được đưa vào Điều lệ Đảng sửa đổi.
Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Nhandan.vn
Toàn Đảng và toàn dân Trung Quốc nhất định sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội XX đề ra, sớm thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, tiến tới xây dựng Trung Quốc thành quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong đường lối chiến lược dài hạn phát triển Trung Quốc đến giữa thế kỷ XXI, Đại hội XX đã đề ra nhiệm vụ sứ mệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời đại mới, hành trình mới nhằm hoàn thành xây dựng cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu “100 năm thứ hai”. Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2035, cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; từ năm 2035 đến giữa thế kỷ XXI, hoàn thành xây dựng cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp.
Những đặc điểm của mục tiêu hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc bao gồm thực hiện ở quy mô dân số lớn hơn 1,4 tỷ người; phát triển chất lượng cao; toàn thể nhân dân cùng giàu có; kết hợp hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần; con người và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa; đi con đường phát triển hòa bình.
Đồng thời, Trung Quốc hướng tới cụ thể hóa mục tiêu trở thành “cường quốc” hàng đầu thế giới thông qua việc đề ra một loạt mục tiêu trên tất cả các lĩnh vực, như xây dựng cường quốc kinh tế, cường quốc quân sự, cường quốc an ninh, cường quốc chế tạo, cường quốc nông nghiệp, cường quốc thương mại, cường quốc vũ trụ, cường quốc giao thông, cường quốc mạng, cường quốc số, cường quốc giáo dục, cường quốc khoa học công nghệ, cường quốc nhân tài, cường quốc thể thao…
Một góc của thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 1/2023. Ảnh: Tân Hoa xã
Sau hơn 40 năm tăng trưởng kinh tế đạt mức tốc độ cao, quy mô kinh tế Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong hơn 10 năm qua, từ năm 2012, mặc dù chịu tác động của tình hình thế giới biến đổi nhanh, dịch Covid-19 bùng phát và áp lực đi xuống của kinh tế trong nước, song Trung Quốc vẫn đạt được những thành tựu mang tính lịch sử, bao gồm chuyển sang phát triển chất lượng cao, giải quyết vấn đề nghèo tuyệt đối, hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả đúng kế hoạch. Trong định hướng phát triển kinh tế, Trung Quốc đã chuyển từ tư duy “phát triển là nhiệm vụ hàng đầu” sang xác định “phát triển chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, hình thành cục diện phát triển mới “vòng tuần hoàn kép”.
Đến nay, Trung Quốc đã trở thành nước có hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh với 220 ngành nghề có sản lượng đứng đầu thế giới; 11 năm liền dẫn đầu thế giới về giá trị gia tăng ngành chế tạo, chiếm gần 30% tỷ trọng toàn cầu; hơn 40% sản phẩm chế tạo của Trung Quốc có sản lượng lớn nhất thế giới; cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, chất lượng cao, đã xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng hiện đại lớn nhất thế giới, dẫn đầu thế giới về đường bộ, đường sắt cao tốc.
Về đường lối đối ngoại, Trung Quốc kiên trì chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, hòa bình, nhấn mạnh phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, tư duy chiến tranh lạnh, can thiệp vào nội bộ nước khác. Với các nước lớn, Trung Quốc thúc đẩy đường lối điều phối và tương tác lành mạnh, cùng tồn tại hòa bình, tổng thể ổn định, phát triển cân bằng. Với các nước láng giềng, kiên trì phương châm ngoại giao “thân, thành, huệ, dung”, thân thiện, trở thành đối tác. Với các nước đang phát triển, hướng tới tăng cường đoàn kết và hợp tác. Trên trường quốc tế, Trung Quốc kiên trì chính sách cơ bản mở cửa đối ngoại, toàn cầu hóa; đồng thời, tích cực tham gia và xây dựng thể chế quản trị toàn cầu.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã/TTXVN
Tôi coi trọng cao độ việc phát triển quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, sẵn sàng cùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng nỗ lực thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam trong thời đại mới, không ngừng bước lên tầm cao mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Việt Nam-Trung Quốc: Hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài
Sau hơn 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2023), quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tổng thể duy trì đà phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc năm 2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được lãnh đạo Trung Quốc mời thăm và tiếp đón chính thức, ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Quan hệ giữa hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định, với sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố, đi vào chiều sâu. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết. Trong đó, có nhiều chuyến thăm cấp cao có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 có ý nghĩa lịch sử, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy chính trị và củng cố, mở rộng, nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai Đảng, làm định hướng cho quan hệ hai nước. Chuyến thăm đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác trên kênh Nhà nước, tạo chuyển biến mới trong hợp tác bình đẳng, cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng-an ninh, tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, phát triển quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, giao lưu nhân dân.
Những chuyến thăm Trung Quốc nổi bật của lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: TTXVN
- Tháng 6: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Thiên Tân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khai mạc CAEXPO và CABIS 2023. Ảnh: VGP
- Tháng 9: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại-Đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Phiên họp cấp cao với chủ đề “Kinh tế số - Động lực mới của tăng trưởng". Ảnh: TTXVN
- Tháng 10: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại thủ đô Bắc Kinh.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là hoạt động đối ngoại có ý nghĩa hết sức quan trọng, lâu dài đối với quan hệ hai Đảng, hai nước. Đây là lần thứ 3 đồng chí Tập Cận Bình thăm Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc (trước đó vào các năm 2015 và 2017); đồng chí từng thăm Việt Nam trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc (năm 2011). Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai nước đối với việc củng cố và phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục vững chắc, ổn định, bền vững, vì lợi ích của cả hai nước.
Trên cơ sở Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc được đưa ra sau chuyến thăm Trung Quốc năm 2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, trao đổi giữa hai Đảng; giữa Chính phủ, Quốc hội Việt Nam với Chính phủ, Nhân đại toàn quốc Trung Quốc và giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, cùng kiên trì đi lên Chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại thủ đô Bắc Kinh, ngày 20/10/2023. Ảnh: TTXVN
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước, ngày càng đi vào chiều sâu. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (theo quốc gia đơn lẻ). Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022. Sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên hơn 25 tỷ USD hiện nay.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%). Trong 10 tháng từ đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam. Với hơn 4.000 dự án còn hiệu lực lũy kế đến tháng 10/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam.
Trong năm nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam, như Tập đoàn Wingtech (nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc) cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ; tập đoàn Goertek Trung Quốc đầu tư thêm 1 dự án mới với số vốn 280 triệu USD và mở rộng 1 dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh; tập đoàn BYD (hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc) đầu tư dự án về linh kiện ô tô tại tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư 269 triệu USD...
Tại Diễn đàn Kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Trung Quốc, doanh nghiệp của 2 quốc gia đã ký kết thành công nhiều thỏa thuận, hợp đồng kinh tế. Ảnh: TTXVN
Trung Quốc rất coi trọng Việt Nam phát huy vai trò quan trọng trong các công việc chung của khu vực và quốc tế cũng như ủng hộ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quan trọng và mang tính xây dựng trong giải quyết các vấn đề ở khu vực và quốc tế.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba
Giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác. Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam). Đến tháng 10/2023, Việt Nam đã đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ 2 trong số các thị trường du khách đến Việt Nam.
Cùng với chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc năm 2022, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này sẽ tiếp tục tạo xung lực mạnh mẽ cho các ngành, các cấp, các địa phương và đoàn thể nhân dân duy trì và phát triển các cơ chế hợp tác sẵn có, qua đó, củng cố nền tảng xã hội vững chắc và tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần thứ ba của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiểu biết, củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Qua đó, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới, đóng góp cho duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.